Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Có nên áp dụng tuổi 16 là tuổi thành niên

Tags

Từ đề xuất “Nên xác định tuổi thành niên là 16” (TT ngày 5-11-2012) của thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội, nhóm PV Nhịp sống trẻ đã theo chân các bạn trẻ ở độ tuổi 16 để tìm hiểu về cuộc sống, trăn trở tuổi mới lớn.

Liệu tuổi 16 đã thật sự trưởng thành? Các bạn đã có thể chịu trách nhiệm xã hội về chính mình? Cha mẹ, thầy cô, các chuyên gia tâm lý, xã hội học... băn khoăn, suy nghĩ gì về những người trẻ của tuổi 16 hiện tại?...

Kỳ 1: Sương gió và ấm êm

16 tuổi, nhiều bạn trẻ đã bước vào đời, bươn chải tự kiếm tiền nuôi mình và nuôi gia đình.

Nhưng cũng chừng đó tuổi, có bạn vẫn còn “ăn chưa no, lo chưa tới”, sống dựa vào gia đình, cha mẹ...

Vào đời từ thuở 13

Ở quán chè nơi vòng xoay Nguyễn Huy Điển (Q.Gò Vấp), Đặng Văn Vũ Linh, 17 tuổi nhưng đã có bốn năm tự nuôi sống mình ở đất Sài Gòn này bằng công việc bưng bê. 13 tuổi, Linh rời gia đình ở An Giang, bắt đầu chuỗi ngày mưu sinh một thân một mình nơi đất khách, quê người.

Linh bảo: “Nhiều lúc em cũng thấy tự hào vì ở tuổi mình đã kiếm được tiền lo cho nhà”. Lương mỗi tháng 1,8 triệu đồng, cậu gửi về nhà hơn phân nửa đỡ đần cha mẹ nuôi em út học hành đến nơi đến chốn. Công việc của Linh bắt đầu từ giữa giờ chiều, cậu về đến nhà khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Sau bữa cơm muộn, giấc ngủ đến đã là 2g sáng. Khi hỏi về dự định tương lai, chàng trai râu lún phún lắc đầu, chỉ biết làm tới đâu hay tới đó. “Em chưa suy nghĩ nhiều hay mơ ước điều gì cho sau này...”, Linh cho biết.

Cặm cụi làm việc từ 7g sáng tới 6g tối mỗi ngày tại cơ sở may Hoàng Tâm (Q.Bình Thạnh), đôi tay Trần Thanh Sang (16 tuổi, quê Long An) thoăn thoắt cắt, may, ủi, đóng gói quần áo. Nhắc tới Sang, chị chủ Trần Hoàng Yến không giấu được vẻ hài lòng về cậu học trò mồ côi này.

Ngày nhận Sang vào làm, chị Yến đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ, can ngăn của người thân vì Sang vốn là học viên của Trường Thiếu niên 3 (Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP - PV) - nơi thu nhận trẻ lang thang, cơ nhỡ, trộm cướp... Không phụ tấm lòng và niềm tin của chị Yến, Sang làm việc chăm chỉ và tiến bộ nhanh sau một năm học nghề.

Chọn học nghề may vì thích thiết kế, Sang ấp ủ dự định học hết THPT sẽ thi vào ngành thiết kế thời trang hoặc kiến trúc. Ngày đi làm, đêm đi học bổ túc văn hóa, cần mẫn và đều đặn, cậu học trò chắt chiu từng đồng từ khoản làm thêm để có tiền đi học vẽ và thi vào đại học. Ngày nhỏ từng bị đuổi học vì mê game, ham chơi; hồi mới vào trung tâm cũng nghịch ngợm, thường bị thầy cô la rầy - đó là những nỗi ân hận khiến Sang luôn trăn trở, day dứt.


Là người sống tình cảm nhưng lại thiếu thốn tình thương mẹ cha từ ấu thơ, Sang may mắn gặp những thầy cô, bạn bè tốt ở nơi học, nơi làm đã cưu mang, giúp đỡ suốt thuở thiếu thời. Với Sang, đó là động lực để cậu học trò 16 tuổi này cật lực học và làm để trả ơn, đền đáp cuộc đời. “Phải học lấy cái nghề, để có bị quăng quật đi đâu cũng sống được mà không ai coi thường” - Sang nói.

Ăn chưa no, lo chưa tới

Không phải bận bịu việc nhà, Hoàng Anh chỉ phải chăm lo học hành - Ảnh: Bình Thanh
Trong khi đó, cuộc sống của Đoàn Phan Hoàng Anh (lớp 10 Trường Quốc tế Canada, Q.7) có lẽ là niềm mơ ước của nhiều thiếu nữ tuổi mới lớn thời nay. Sinh ra trong một gia đình kinh doanh khá giả, từ tấm bé tới giờ cô luôn được bảo bọc, chăm sóc kỹ càng nên “dù đã 16 tuổi con bé vẫn tồ lắm”, chị Các Vi (37 tuổi), mẹ Hoàng Anh, chép miệng nói. Con ăn gì, chơi gì, ngủ nghỉ ra sao, một tay chị Vi lên lịch sẵn, Hoàng Anh chỉ răm rắp làm theo. Đi học, đi chơi có xe đưa rước, về nhà có người giúp việc nấu ăn, giặt giũ sẵn nên Hoàng Anh chỉ phải lo việc học. Cô bạn dự định đi Mỹ du học theo khối ngành nhân văn.

“Ba mẹ luôn lắng nghe, tôn trọng và ủng hộ suy nghĩ của em” - Hoàng Anh vui vẻ nói.

Mùa hè vừa rồi có lẽ là một bước ngoặt trong cuộc đời của Hoàng Anh. Tám ngày sống và sinh hoạt theo kỷ luật quân đội của chương trình Học kỳ quân đội là những trải nghiệm khó quên giúp cô bạn sống có ý thức tự lo cho bản thân hơn. “Nhất định hè năm sau em sẽ tham gia tiếp”, Hoàng Anh nói. Đón con về, chị Các Vi bất ngờ khi cô con gái cưng ngủ dậy đã biết... gấp chăn màn, thi thoảng lại còn giành làm việc nhà.

16g45 mỗi thứ hai, cô Bùi Thị Bích Thủy (Q.1) đã có mặt ở cổng Trường THPT Marie Curie (Q.3), để kịp đón cô con gái đang học lớp 11 sang học lớp piano ở Nhạc viện TP.HCM. Từ giữa giờ chiều, cô Thủy đã tất bật chuẩn bị đồ ăn, nước uống, sữa, khăn ướp lạnh mang theo cho con gái tranh thủ ăn trong lúc di chuyển. Một tiếng rưỡi con gái học đàn, cũng là thời gian cô Thủy đợi con trước cổng trường...

11 năm con gái học song song hai trường cũng là chừng đó năm cuộc sống của cô Thủy bị cuốn theo con. Con “chạy show” đi học, mẹ thành tài xế đưa đón. Gia đình không quá giàu nhưng vợ chồng cô Thủy đều lo cho con không thua kém bạn bè.

Nhìn mẹ tất bật, đôi lúc Linh nhủ lòng sẽ phụ giúp mẹ phần nào, nhưng vốn quen được nuông chiều từ nhỏ, những dự định của Linh chỉ dừng lại ở ý nghĩ. “Áp lực học tập cùng lúc ở hai trường quá lớn nên em không còn thời gian để làm việc khác”, Linh thổ lộ. Mà đâu chỉ riêng Linh, bạn bè cùng lớp đều lớn lên chung “cảnh ngộ”. “Thậm chí mẹ còn làm thay việc em phải làm và nghĩ thay việc em phải nghĩ nên tụi em luôn bị động trong mọi thứ”, Linh tâm sự.

Tối thứ hai, trước cổng Nhạc viện TP.HCM luôn xôm tụ cảnh phụ huynh ngồi chờ con tan học. Nhưng những cuộc chuyện trò về con cái luôn rôm rả hơn cả. Người chép miệng kể mới hồi chiều thấy người cha “bón” bánh giò cho thằng con trai đã năm nhất đại học mà thấy rầu. Người thở dài bảo con tôi cũng không hơn, tốt nghiệp phổ thông rồi mà vẫn còn cậy mẹ...

Xem thêm bài viết về tuổi mới lớn : https://tuoitremoilon.wordpress.com/2020/04/26/con-gai-moi-lon-rat-yeu-thich-hoa/


EmoticonEmoticon